Vén màn câu chuyện bi thương xoay quanh trò chơi trốn tìm của hai đứa trẻ…

Một
“Năm, mười, mười lăm, hai mươi… Các cậu xong chưa?”
“Chưa! Tại sao cậu không đếm tiếp đi?”
“Ừ, cậu tính chơi ăn gian hả?”
Đứa con gái cột tóc hai chùm đang úp mặt vào tường tỏ ra bực bội. Nó đáp:
“Ai thèm ăn gian! Các cậu trốn lâu quá đấy!”
Một thằng bé trong đám lên tiếng:
“Cậu chưa đếm tới một trăm! Đào không biết đếm tới một trăm à?”
“Tớ biết!” Con bé tên Đào la lớn. Hai chùm tóc của nó đung đưa bên vai khi nó giậm chân xuống đất. “Tớ biết đếm tới một trăm!”
Nó luôn tự hào vì nó là đứa duy nhất ở mẫu giáo biết đếm tới một trăm. Ừ thì, không hẳn là toàn bộ các số từ một đến một trăm. Nhưng nó biết rõ các số trong trò chơi này, và cũng chính vì thế mà chẳng đứa trẻ nào thắng được nó bao giờ.
“Mau trốn đi! Chuông reo bây giờ!” Con bé nói với mấy đứa bạn.
Lúc nó quay trở lại bức tường gạch đỏ, nó bỗng thấy một đứa trẻ khác, lạ hoắc, đang đứng lớ ngớ gần cổng. Trông con bé đó gầy lắm, tóc của nó thì lởm chởm phía trên vai một chút. Trên tay con bé cầm con thỏ bông cũ rích, một tai gần như sứt hẳn ra, còn có thể thấy phần bông trắng lộ ra ngoài.
“Ai thế nhỉ?” Đào lẩm nhẩm. Nó chưa từng thấy con bé kia ở trường, hay ở quanh khu phố. Mà nó tự tin rằng nó biết mọi đứa trẻ đi học ở đây.
Không có thời gian tìm hiểu nữa rồi, vì tiếng chuông báo vào học đã vang lên. Đào bỏ lại con bé lạ mặt kia và chạy ùa vào lớp cùng đám bạn.
Một lát sau, cô bảo mẫu đứng bên ngoài phòng học của nó. Cô đang trò chuyện với ai đó. Đào lén nhìn ra ngoài, vì chỗ của nó ở ngay cửa sổ. Nó nhìn thấy cái dáng cao gầy trong bộ âu phục trắng, cùng cái nón trắng đặc trưng giúp nó xác định được kia là ai. Bác sĩ Bạch.
Lũ trẻ ai cũng sợ bác sĩ, riêng bác sĩ Bạch lại có thể làm cho cả người lớn sợ chết khiếp nữa. Bác hành nghề chữa trị bằng Đông y ở đây khá lâu rồi. Người ta đồn rằng bác ấy không già, vì đã tìm được bài thuốc bí mật giúp trường sinh bất lão. Bác ấy còn nổi danh với những phương pháp chữa bệnh dị thường khiến ai yếu tim dễ mà phát khiếp. Bác sĩ Bạch không có gia đình, chỉ sống thui thủi ở hiệu thuốc Đông y cách trường vài con phố nhỏ. Thế nên ai cũng lấy làm lạ khi bác dẫn theo một đứa trẻ đến trường mẫu giáo. Chính là con bé Đào đã thấy lúc nãy ở ngoài sân.
“Lớp mình hôm nay có bạn mới nhé.”
Cô bảo mẫu giới thiệu. Khi ngó ra ngoài sân, Đào đã thấy bác sĩ Bạch rảo bước về phía cổng.
“Bạn ấy mắc phải một căn bệnh lạ, khiến cho trí nhớ của bạn ấy không được như các con.”
Có đứa trong lớp hỏi:
“Là sao hả cô?”
“Tức là bạn ấy hay bị mất trí nhớ, chỉ nhớ được vài thứ vừa mới xảy ra thôi. Nếu các con hỏi bạn ấy chuyện ngày hôm qua, bạn ấy sẽ không nhớ được đâu.”
Ánh mắt tò mò của Đào nhìn đứa trẻ mới đến. Cô bảo mẫu cúi xuống vỗ vào vai con bé kia.
“Bạn ấy tên Quỳnh Chi. Chúng ta cùng chào mừng bạn ấy đến lớp của mình nhé?”
Một tràng pháo tay lốp bốp vang lên từ lũ trẻ, nghe chẳng có ra nhịp gì vì đứa vỗ trước, đứa vỗ sau. Cuối cùng thì con bé tên Chi cũng được hướng dẫn bước vào chỗ ngồi, mà chỗ đó lại là cái ghế còn trống duy nhất bên cạnh Đào.
Con bé ngơ ngác đến tội. Cả buổi nó chỉ đưa cặp mắt tròn xoe nhìn hết bảo mẫu đến lũ bạn ca hát nhảy múa mà chẳng thuộc từ lẫn động tác. Đám trẻ ở lớp vẫn còn ngại ngùng, vả lại, chúng nó thấy dáng vẻ của Chi cứ ôm khư khư con thỏ sứt tai khá đáng sợ nên chẳng ai dám lại gần. Đào cứ thấy tội nghiệp.
Nó quyết định kể cho ông nghe về đứa trẻ mới đến vào lúc tan trường. Ông nó là người hiền hậu, được mọi người kính nể; phần vì sự uyên bác của ông, phần vì công việc ông đang làm. Gia đình họ có truyền thống làm nghề đưa tiễn vong linh sang thế giới bên kia. Nói cách khác, họ có một trại hòm. Ông nội của Đào là chủ đời thứ sáu.
Đào rất thích công việc của ông. Lo ma chay cho người chết và tiễn vong hồn họ về nơi chín suối, nghe mới ngầu làm sao! Trái với những đứa trẻ khác, Đào không thấy sợ hãi chuyện chết chóc, vì như ông nó nói, cái chết chỉ là sự hóa thân; rũ bỏ cuộc đời trần thế này và bước sang cõi vĩnh hằng… Thật ra, nó chẳng hiểu gì sất. Nhưng những lời ấy nghe hay ho lắm. Nó còn học thuộc để thỉnh thoảng đọc cho lũ bạn nghe. Như thế khiến nó cảm thấy mình đã lớn và uyên bác, hệt như ông vậy.
Nếu ghé thăm trại hòm vào chiều muộn hoặc vào những ngày nghỉ, người ta dễ dàng bắt gặp đứa cháu gái của ông chủ ngủ say trong một chiếc quan tài để mở. Đôi khi còn bị nó nhảy ra từ bên trong hù cho một trận khiếp vía! Cũng vì thế mà Đào mang danh “siêu quậy” trong khu phố và cả ở trường học nữa. Ông nó lại luôn chiều chuộng, dù có mắng cũng chỉ trách nhẹ vài ba câu. Vì thế mà con bé chẳng sợ ai hay thứ gì. Điều nó sợ duy nhất có lẽ là sang năm không còn được ở đây nữa.
Năm sau, nó sẽ vào lớp một. Mà vào lớp một cũng đồng nghĩa với việc phải chuyển lên thành phố sống cùng bố mẹ. Do công việc bận rộn nên họ mới gửi nó lại cho ông chăm sóc những năm học mẫu giáo này. Họ muốn nó vào học ở thành phố để giỏi hơn. Nhưng nó đã giỏi giang lắm rồi. Nó đã biết đếm đến một trăm, và với suy nghĩ trẻ thơ của nó, như thế đã là quá đủ.
Đào cũng thương bố mẹ, nhưng nó thích ở với ông hơn. Trên thành phố ngột ngạt lắm, chẳng được bay nhảy như ở đây. Bố mẹ nó đi làm suốt từ sáng sớm đến tối mịt, chẳng ai cùng chơi với nó. Rõ là ở quê tốt hơn nhiều. Sao bố không nối nghiệp ông mà ở lại đây nhỉ? Nó từng nghe loáng thoáng ông nội giải thích, rằng bố không có “con mắt tâm linh” như ông để cảm nhận những điều mắt thường không thấu được, thế nên bố không thể làm công việc này. Nhưng đó là chuyện của người lớn. Đào chỉ mong nó có thể sống ở đây thêm nhiều, nhiều ngày nữa.
Quay trở lại con đường nhỏ nơi ông cháu dắt tay nhau từ trường về, ông khoác chiếc ba lô màu đỏ của nó lên vai và nói:
“Cô bạn mới đến nếu chỉ chơi một mình thì tội thật, nhỉ? Hay cháu thử rủ bạn ấy cùng chơi xem? Trò trốn tìm cháu giỏi nhất ấy?”
Đào là một đứa trẻ rất nghe lời ông. Thế là hôm sau, nó đến bắt chuyện với bạn mới ở góc sân.
“Này! Chúng ta cùng chơi năm mười đi!”
“Năm mười… là gì?”
Đứa trẻ tên Chi nghiêng đầu hỏi lại. Cả cái cách nó nói chuyện cũng khiến người ta thấy thương, vì nó không hoạt bát như bạn cùng trang lứa.
“Năm mười mà cậu cũng không biết à? Đó là tên khác của trò trốn tìm ấy! Sẽ có một người đi trốn, và một người đi tìm. Người đi tìm sẽ phải đếm đến một trăm. Mà, cậu biết đếm tới một trăm chứ?”
Chi lắc đầu. Đào lại được dịp nở mũi.
“Thế thì tớ sẽ chỉ cho cậu! Không khó lắm đâu. Năm, mười, mười lăm, hai mươi…”
Đếm được đến chừng năm mươi, con bé dừng lại.
“Cậu có theo kịp không?”
Vẻ ngơ ngác trên mặt Chi đã nói lên tất cả. Đào thở dài.
“Thôi để tớ đếm chậm lại cho…”
Cứ thế cả mười phút sau, hai đứa trẻ tập đếm cùng nhau trong sân. Đúng như cô bảo mẫu nói, Chi gặp khó khăn ghi nhớ mọi thứ. Mọi thứ. Trừ tên của mình.
Đến cuối giờ chơi thì Đào mệt và tức đến nỗi con bé hậm hực đi vào lớp một mình, bỏ mặc bạn ở ngoài đó.
Ngày hôm sau, Đào kéo tay Chi ra sân và lại chỉ cho con bé học đếm. Nhưng mọi chuyện có vẻ không ổn thỏa cho lắm.
“Ơ… Cậu là ai?” Chi hỏi.
“Hả? Hôm qua tớ đã nói rồi mà? Tớ tên là Đào. Xuân Đào!”
“Chi… không nhớ…”
Con bé siết chặt thỏ bông trong tay, nhìn thấy mà tội. Vậy là Đào lại phải một lần nữa nhắc tên mình cùng trò chơi chúng đang chơi cho Chi.
Sau hồi lâu, cuối cùng Chi cũng nắm được sơ sơ về trò trốn tìm. Đào chỉ tay vào bức tường gạch và nói:
“Cậu úp mặt vào tường và đếm đi. Tớ sẽ đi trốn.”
“Được.”
Chi đáp. Môi con bé vừa mấp máy “Năm, mười…” thì Đào đã nhanh chân chạy đi mất.
Với vẻ hí hửng trên mặt, Đào mường tượng ra cảnh mọi người sẽ khen ngợi nó, vì nó vừa lập được một “chiến công”. Nó đã giúp Chi biết chơi trò trốn tìm. Các cô bảo mẫu sẽ không la mắng nó vì quậy phá nữa. Họ sẽ còn trao cho nó túi bánh kẹo to đùng, và những đứa trẻ khác sẽ trầm trồ thán phục nó.
Suy cho cùng, nó là “thủ lĩnh” ở đây cơ mà.
Quả vậy, Đào là đứa trẻ nổi tiếng nhất trường mẫu giáo. Các cô trông trẻ quan tâm nó nhất vì nó khó bảo. Còn với đám bạn, con bé là một đứa thật ngầu, không mít ướt và luôn có đồ chơi xịn. Chúng thích vây quanh con bé vì nó có thể nghĩ ra đủ thứ trò nghịch ngợm vui phải biết, tuy trong mắt người lớn thì có vẻ quá sức chịu đựng. Đám trẻ nghe lời Đào nhất, thậm chí còn tôn nó lên làm thủ lĩnh của cả bọn.
Khóe miệng Đào nhếch lên một nụ cười đắc thắng. Nhưng chẳng mấy chốc, nó cảm thấy có gì đó không ổn lắm.
Lẽ ra Chi phải đi tìm nó từ mấy phút trước rồi. Nó đã nấp sau bụi cỏ lâu đến nỗi hai chân bắt đầu tê đi, như có ngàn con kiến chạy lên vậy. Nó cố chờ thêm một chút nữa, rồi quyết định chạy về chỗ bức tường cũ.
Chi vẫn đứng đó với con thỏ bông. Ngó trái, ngó phải. Trông ngớ ngẩn đến buồn cười.
“Cậu làm cái gì vậy hả?” Đào nhíu mày. “Cậu phải đi tìm tớ chứ!”
“Đi tìm?”
“Ừ! Đi tìm tớ! Chúng ta đang chơi năm mười cơ mà!”
Chi lắc đầu nguây nguẩy. “Không nhớ gì cả…”
Đào dậm mạnh xuống mặt đất. Tức quá là tức! Bao công sức nó hai ngày nay đều bay mất rồi.
Cứ tưởng rằng Đào sẽ bỏ cuộc, nhưng con bé lại kéo Chi ra sân chơi vào ngày thứ ba. Lần này, nó quyết định đổi vai.
“Nếu cậu không đếm được đến một trăm thì đi trốn đi! Tớ sẽ là người đi tìm.”
“Tớ đi trốn ư?…”
Gật đầu thật mạnh rồi nắm lấy vai của Chi, Đào khẽ đẩy con bé đi về hướng khác.
“Nhớ trốn thật kỹ đấy. Chưa có ai chơi trò này thắng nổi tớ đâu. Vì tớ luôn tìm ra được bất kể người khác trốn ở chỗ nào.”
Hất một chùm tóc bên vai, Đào tỏ ra hết sức kiêu kỳ. Nó luôn tự tin ở trò này, cũng như mọi trò khác. Nó quay mặt vào tường và đếm một mạch tới một trăm. Khi quay đầu lại, nó hết sức ngạc nhiên khi thấy Chi vẫn đứng đằng sau nhìn nó.
“Sao cậu còn ở đây? Mau đi trốn đi!”
Con bé gãi đầu trông bỡ ngỡ lắm. “Chi… đang định làm gì vậy nhỉ?”
“Tất nhiên là đi trốn rồi! Chúng ta đang chơi trốn tìm đó! Cậu đi trốn, tớ đi tìm. Nhớ chưa?”
Chi khẽ gật đầu. Lần này, Đào ngó theo đến khi Chi đi ra xa một đoạn rồi bắt đầu đếm.
“Năm, mười, mười lăm…”
Biết tuân thủ luật chơi, Đào đếm đến một trăm rồi mới đi tìm Chi. Con bé tìm trong phòng học đầu tiên. Theo nó nghĩ, nơi đó quen thuộc nhất. Nhưng Chi không có ở đó. Thế là nó lại nhanh chân chạy ra phòng ăn, rồi tìm kiếm khắp xung quanh vườn, ở những bụi cây bản thân nó hay trốn nữa. Vẫn chẳng thấy bóng dáng Chi đâu.
“Cậu ấy ở chỗ nào nhỉ?”
Chạy qua chạy lại mãi mà không tìm thấy bạn, Đào vừa mệt vừa khó chịu. Nó không chấp nhận chuyện Chi giỏi hơn nó trong trò chơi này được! Nhất định nó phải tìm ra Chi!
Chuông vào học đã vang lên. Đào không chịu vào lớp. Nó nhất quyết phải thắng. Cũng vì thế mà nó làm cô bảo mẫu của lớp phải chạy theo mệt bở hơi tai. Cô dọa sẽ cho nó một trận và mách ông nội.
Như thế cũng không cản được tính hiếu thắng của con bé. Nó luồn lách ra khỏi gọng kìm là bàn tay của cô, rồi lỉnh về phía sau nhà bếp. Cũng chính ở đó, nó phát hiện ra mấy vại nước to bằng gốm trống không, vừa vặn một đứa trẻ leo vào.
“Chi?!”
Nó reo lên khi thấy cơ thể nhỏ bé của bạn mình lọt thỏm trong đáy vại. Chi đang ngủ say, không biết trời trăng gì cả. Hóa ra con bé trốn ở đây! Ngay cả Đào cũng không biết tới chỗ này, vì chẳng có đứa trẻ nào được phép chạy tới đây cả.
“Tìm được Chi rồi! Tớ thắng rồi!”
Đào vừa reo vừa nhảy quanh cái vại. Nghe tiếng, đôi mắt ngái ngủ của Chi khẽ chớp.
“Hả? Sao mình lại ở đây?”
Đào dùng tay mình vỗ một cái bốp vào trán, như cái cách người lớn hay làm mỗi khi không bắt nó nghe lời được. Nó chìa tay ra trước để Chi bám lấy rồi đỡ con bé trèo ra ngoài. Đúng lúc cô bảo mẫu cũng đến và mắng cho cả hai một trận.
Đào không hiểu nổi, nó chỉ muốn chơi cùng bạn mới thôi mà? Kết cục thì nó vừa bị mắng, vừa phải ở lại với cô và ông nội sau giờ học. Cô bảo mẫu nói:
“Quỳnh Chi mắc bệnh lạ, trí nhớ bạn ấy không tốt. Nếu con bảo bạn ấy trốn đi rồi bạn ấy quên mất đường về lớp thì sẽ thế nào?”
“Thì con sẽ đi tìm bạn ấy! Giống như hôm nay vậy.”
Cô bảo mẫu thở dài, vừa định nói gì thêm thì ông nội đã cắt ngang.
“Sự việc hôm nay cũng do con bé Xuân Đào ham chơi quá. Tôi sẽ nhắc nhở cháu cẩn thận. Xin lỗi đã làm cô phiền lòng.”
Nghe người già có tiếng trong vùng nói thế, cô bảo mẫu cũng không làm khó dễ Đào nữa. Cô chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở:
“Lần sau con đừng rủ Chi chơi trốn tìm nữa nhé! Hãy để bạn ấy chơi một mình trong lớp thôi.”
Đào cúi mặt. Nó chỉ “dạ” một tiếng rất khẽ. Trên đường về, nó siết chặt tay ông.
“Mất trí nhớ ngắn hạn là sao hả ông?”
“Cắt nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu thì, cháu sẽ không nhớ những sự việc vừa mới xảy ra.”
“Vậy… Chi cũng sẽ không nhớ chuyện hôm nay phải không ạ?”
Nhìn xuống vẻ mặt tiu nghỉu của đứa cháu, ông tạm dừng bước. Ông cúi xuống xoa đầu nó.
“Có lẽ bạn ấy không nhớ. Nhưng nếu cháu nghĩ ra cách nào đó giúp được bạn ghi nhớ thì cháu chính là một người bạn tuyệt vời đấy.”
Ánh mắt ông nhìn Đào chứa đầy ẩn ý. Con bé cũng không mất quá lâu để hiểu ra. Nó cần phải làm gì đó để giúp Chi; ít nhất Chi cũng sẽ nhớ được tên nó.

Hai
Một sáng, Đào đặt lên bàn học trước mặt Chi một quyển vở. Mở ra, trang đầu tiên có hình vẽ một đứa trẻ ốm yếu, tóc ngắn lởm chởm, tay ôm con thỏ bông sứt tai. Nét vẽ bằng chì màu của trẻ con tuy không đẹp mắt lắm, nhưng cũng đủ để biết đích danh đó là ai.
“Ủa… Đây là Chi mà?” Chi nói. Con bé thích thú chạm vào hình vẽ trên giấy.
Đào hí hửng đáp:
“Ừ! Đó là Chi. Còn đây là tớ.” Ngón tay nó chỉ vào trang bên cạnh. Ở đó có một hình vẽ khác với hai chùm tóc đung đưa. “Đây là Đào.”
“Đào…” Chi lẩm nhẩm. Cái tên nghe quen quá.
Đào cầm cây bút chì viết nguệch ngoạc cái tên của hai đứa lên hai bức vẽ kế nhau. Nó đã được dạy chữ và có thể viết một số từ cơ bản, như tên họ mình. Còn Chi thì chưa biết viết.
Viết xong thì con bé lại chỉ vào giấy một lần nữa.
“Đây là Chi. Còn đây là Đào. Chúng ta là bạn tốt của nhau!”
Chi bất ngờ lắm. Mắt nó mở to và long lanh. Nó không nhớ nổi người đang trò chuyện với nó là ai, nhưng nó tin cả hai đứa là bạn rất tốt.
Đào đưa cho nó quyển vở và bảo hãy luôn mang theo bên mình. Đó là cách giúp Chi ghi nhớ, theo lời gợi ý của ông. Quyển vở đã chứng minh sự hữu dụng ngay từ hôm đó. Hai đứa thường hí hoáy vẽ vào giấy đủ thứ bọn nó khám phá được trong ngày hôm đó; chẳng hạn như con sâu róm trên cây khiến đám trẻ ré lên, hay con bướm tình cờ lạc vào phòng học trong giờ mỹ thuật… Thấy Đào và Chi trở nên thân thiết, bọn trẻ cũng không còn ngại hay sợ người bạn mới nữa. Đào giới thiệu con bé cho nhóm bạn tốt của mình, gồm có Hương, Minh và Bảo. Từ đó, bọn chúng luôn chơi cùng nhau.
Giấy trắng trong quyển vở nhanh chóng được lấp đầy bởi những kỷ niệm đầy sắc màu. Chi không nhớ rõ những việc bọn trẻ đã nói, hay những trò chơi cùng nhau, nhưng chí ít con bé có thể mở vở ra và nhớ được một số chuyện. Nó cũng trở nên vui vẻ, có sinh khí hơn ngày đầu đến lớp.
Gần trường mẫu giáo có một khu rừng nhỏ bên chân núi. Thỉnh thoảng, lũ trẻ được dã ngoại ở đó để học thêm về các loại cây cũng như động vật. Khỏi phải nói Đào phấn khởi ra sao khi được tung tăng khỏi khuôn viên trường. Dù các cô bảo mẫu có hù dọa về sự nguy hiểm tiềm tàng trong rừng nếu chúng đi lạc, Đào tự tin rằng nó có thể tìm được đường về. Chuyện là ông nội nó thường lên núi, mỗi tháng một lần, ông cũng dắt nó theo. Ông dạy cho nó một chút về địa lý, về cả cách sinh tồn trong rừng nữa. Tuy nó còn nhỏ và chỗ quên chỗ nhớ, nó cảm thấy rừng núi chẳng đáng sợ chút nào. Thế là khi chiếc xe buýt chở bọn nhóc vừa dừng lại và cửa mở ra, nó là đứa trẻ đầu tiên nhảy xuống.
Hôm đó trời khá âm u. Lũ trẻ được căn dặn rằng phải nắm tay nhau đi theo hàng, và luôn ở trong tầm quan sát của các cô bảo mẫu. Nhiệm vụ của chúng hôm đó là tìm hiểu các loài cây bên bìa rừng. Chúng được giao cho mỗi đứa một chiếc giỏ nhỏ và làm việc theo nhóm.
Đào tất nhiên phải làm chung với nhóm bạn của nó. Cô bảo mẫu thấy không tách chúng ra được cũng chỉ thở dài, căn dặn phải luôn đi cùng nhau và không được chạy quá xa. Nhưng “quá xa” là một khoảng cách không rõ ràng. Có thể chỉ là vài bước, hoặc có thể là đâu đó vào hẳn trong rừng.
Tóm lại, nhóm của Đào đã vô tình bị lạc.
Chuyện bắt đầu vào giờ nghỉ trưa, sau khi bọn nó đã ăn bánh mì kẹp thịt đến no căng. Đám trẻ nghỉ ngơi trong bóng mát của cây to và sự giám sát của các bảo mẫu. Đào cảm thấy chán.
“Hay chúng ta tìm gì đó chơi đi?”
Đúng lúc ấy thì Chi lên tiếng:
“Năm, mười…”
“Ồ! Hay đó, Chi! Chúng ta có thể chơi năm mười!”
Thằng bé tên Minh nói: “Ở đây thì trốn chỗ nào được?”
Đào đưa mắt nhìn quanh. Đúng là chẳng có chỗ trốn. Trừ khi…
“Chúng ta có thể trốn trong rừng!”
Cô bạn tên Hương ngăn lại:
“Không được đâu! Cô dặn mình không được vào rừng chơi một mình!”
“Chúng ta có chơi một mình đâu?” Đào nói. “Chúng ta có năm người mà. Với lại chỉ trốn ở gần đây thôi thì vẫn có thể nhìn thấy cô và các bạn.”
“Nhưng… tớ vẫn thấy lo…”
“Sao thế? Ngày nào cậu cũng theo bố mẹ vào rừng hái nấm để nấu ăn mà cậu còn sợ à?”
Hương bối rối. Đúng là mỗi ngày nó đều đến đây thu nhặt nấm về cho quán ăn gia đình. Nhưng việc vào rừng mà không có người lớn đi theo thì lại là chuyện khác.
Đào khoanh tay trước ngực, nói:
“Nếu cậu nhát gan như vậy thì có thể ở lại đây. Còn hai cậu thì sao?”
Nó nhìn sang hai đứa con trai là Minh và Bảo. Chúng nó không muốn tỏ ra thua kém một đứa con gái nên tất nhiên đồng ý chơi. Chi thì không có ý kiến, con bé làm theo tất cả những gì Đào bảo.
Thấy ai cũng quyết định chơi, Hương lo sợ nó sẽ bị cho ra rìa trong nhóm. Vì vậy con bé cũng đồng ý tham gia. Chúng nắm tay nhau lẻn ra đến sát bên bìa rừng, nơi những thân cây cao lớn che chắn chúng khỏi các cô bảo mẫu.
“Chỉ loanh quanh gần đây thôi nhé?” Đào dặn. “Tớ sẽ là người đếm. Các cậu trốn đi.”
Gió quét qua hai lọn tóc của Đào khi nó úp mặt vào thân cây và đếm.
“Năm, mười…”
Con bé cố đếm thật nhanh, vì trong lòng nó cũng lo sợ sẽ bị phát hiện và bị mắng lắm. Lại còn có thứ cảm giác kỳ lạ trong lòng, cứ cồn cào nơi ruột gan, như thể sắp có chuyện xảy ra và nó hoàn toàn không nên kéo bạn mình vào rừng thế này. Nhưng Đào cố gạt đi.
“Chín lăm… Một trăm…”
Nó tiến vào rừng.
Bảo là đứa bị tìm thấy đầu tiên. Nó còn chẳng buồn trốn, chỉ đứng một góc ăn kẹo nó đem theo trong túi. Mà tìm được bảo thì sẽ tìm thấy Minh. Hai đứa này luôn trốn gần nhau. Như thế thì lại quá dễ dàng với Đào, và nó thấy chẳng còn vui chút nào. Nó cũng nhanh chóng tìm được Hương ở chỗ gia đình con bé hay hái nấm. Thế là chỉ còn một mục tiêu cuối.
Đúng lúc đó, có tiếng sấm rền vang trên trời. Đám trẻ giật mình nắm lấy hai cánh tay Đào. Con bé nói:
“Các cậu về trước đi. Tớ đi tìm Chi rồi đưa cậu ấy về.”
“Cậu về chung với bọn tớ đi. Rồi nhờ các cô tìm Chi…”
Hương đề nghị. Lẽ ra Đào nên đồng ý, nhưng con bé vẫn muốn chiến thắng. Nó nghĩ đơn giản rằng nó sẽ tìm ra Chi sớm thôi, và chẳng có nguy hiểm gì ở phía trước. Nếu các cô biết vì sao bọn nó chạy vào rừng như thế này, chắc chắn nó sẽ bị ăn đòn.
“Đừng nói với các cô. Tớ sẽ về ngay mà! Nếu người lớn biết thì cả đám sẽ bị phạt đó!”
Nghe vậy, ba đứa kia cũng thấy sợ. Chúng nghe lời Đào và chạy ra khỏi khu rừng. Còn một mình Đào, con bé vừa đi vừa gọi Chi, dù mây đen kéo tới khiến trời đất tối tăm, và nó đã vô tình đi quá sâu vào rừng.
Đào luôn cho rằng mình biết khu vực này, vì nó đã đến đây cùng ông nhiều lần. Với nó, núi rừng hay cả bóng tối cũng không đáng sợ chút nào. Vì thế khi mưa bắt đầu trút xuống, nó vẫn không nghĩ rằng mình nên chạy về báo với người lớn để giúp tìm Chi. Nó cho rằng mình sẽ tìm ra cô bạn, và nó sẽ là người chiến thắng sau hết.
“Chi ơi! Chi ơi!”
Tiếng Đào gọi bị nhấn chìm trong sấm. Mưa như xối nước vào mặt, gió lớn khiến tán lá quật mạnh trên đầu, vài cành quật xuống cơ thể con bé. Nó vừa đi vừa gọi lớn tên Chi. Lúc lối mòn ướt mưa khiến nó trượt chân ngã xuống bùn, nó mới sực nhận ra rằng nó đang ở trong tình thế nguy hiểm thật sự. Có thể Chi còn gặp nguy hiểm nhiều hơn nữa.
Nếu không tìm ra Chi, mọi chuyện đều là do nó mà ra. Giờ thì nó biết mình ngu xuẩn biết bao khi rủ đám bạn vào rừng chơi. Sao nó lại quên mất lời dặn dò của cô, rằng bọn nó không được đi khỏi tầm mắt của người lớn, rằng nó không nên chơi trốn tìm với Chi phòng khi con bé quên mất đường về? Giá mà nó nhận ra điều này sớm hơn. Nó quay đầu lại. Đám cây đập vào nhau dữ tợn như đội quân đen sì vây lấy nó trong màn mưa, che mất lối đi. Nó không còn nhận ra lối quen thuộc dẫn lên núi nữa. Sợ hãi. Nước mắt nó hòa vào làn mưa lạnh ngắt. Nó cố gượng dậy đi thêm vài bước, miệng run rẩy gọi Chi, Hương, Minh, Bảo, và cả ông nội của nó nữa. Nhưng chẳng có ai tới giúp. Cảnh vật trước mắt nó nhòe đi. Rồi nó lại trượt ngã, lăn hẳn xuống dưới một quãng thật sâu.
May mà Đào chỉ bị trầy xước nhẹ, và một phen điếng người. Nó ngồi đó một lúc. Cơn mưa cũng thương tình mà nhỏ hạt lại. Nó ngừng khóc, ngước nhìn xung quanh tìm lối về. Đúng lúc đó, nó nhìn thấy một vật quen thuộc. Một con thỏ bông sứt tai bị vùi lấp dưới bùn.
“Chi!”
Đào lao đến. Nó nhặt con thỏ bông lên và tìm thấy Chi nằm sõng soài phía sau một tảng đá cách đó không xa.
“Ôi… Chi ơi! Cậu bị làm sao thế?”
Hai tay Đào ra sức lắc mạnh người bạn. Khắp người Chi lạnh ngắt, phủ đầy bùn đất càng khiến Đào thêm sợ. Sau một hồi khóc lóc, la hét, Đào cảm thấy bạn mình đã cử động trở lại.
“Ơ… Cậu sao thế?… Mình đang ở đâu vậy?”
Chi chớp mắt. Đào ôm chầm lấy bạn mình, mếu máo:
“Mừng quá! Cậu tỉnh lại rồi! Xin… Xin lỗi cậu… nhiều lắm…”
“Hả?”
Chi chẳng nhớ chuyện gì vừa xảy ra hết. Con bé trượt chân xuống đây trong cơn mưa to mà không hiểu vì sao mình lại đến nơi này ngay từ đầu. Nó cũng thắc mắc sao người bạn của mình lại vừa khóc vừa luôn miệng xin lỗi thế kia.
“Là lỗi của tớ hết… Tớ sẽ đưa cậu về… Chúng ta cùng về nhà nhé?…”
Chi gật đầu, dù nó không rõ nhà là ở đâu nữa. Đào đỡ con bé đứng lên, nhưng nó không đi nổi.
“Chân của tớ. Đau lắm.”
Chắc hẳn chân con bé bị trật lúc ngã. Đào suy nghĩ một lúc rồi ngồi xuống, lưng quay lại với Chi.
“Lên đi. Tớ cõng cậu về…”
Vì ốm yếu nên Chi chẳng nặng là bao. Vậy mà Đào vẫn bất ngờ khi con bé ấy nhẹ tựa lông hồng. Cứ như nó chỉ đang cõng một con thú bằng bông nhỏ phía sau mà thôi. Phải chăng nó quá mệt nên chẳng cảm thấy điều gì, ngoài vòng tay nhỏ xíu, giá lạnh của Chi quàng qua người?
Mưa tạnh. Trời quang trở lại khiến cho việc tìm đường về dễ dàng hơn. Quãng đường dài đằng đẵng trong mắt trẻ con hóa ra chỉ là một đoạn ngắn so với thực tế. Đào nhớ rất rõ, khi nó đưa được Chi về đến bãi cỏ của lớp, nó lả đi vì kiệt sức trong lúc cô bảo mẫu và đám bạn của nó lao đến.
Đào nhoẻn miệng cười. Vì nó đã tìm ra Chi. Mọi người hẳn sẽ khen nó dũng cảm. Nó quay sang bên cạnh, Chi cũng đang nằm trên cỏ nhìn nó. Con bé mỉm cười, thầm thì:
“Cảm ơn cậu. Cậu đã đưa Chi về nhà…”

Ba
Đào tỉnh giấc, mơ mơ màng màng nhận ra nó đang nằm trong bệnh viện. Ông nội ngồi bên cạnh giường, nắm lấy tay nó vỗ nhè nhẹ.
“Nhóc con tỉnh rồi này.”
“Ông!”
Con bé bật dậy, giơ hai tay muốn ôm ông một cái, nhưng ông lại nhéo mũi nó.
“Lại bày trò nghịch phá phải không?!”
“Hì hì. Cháu xin lỗi mà! Nhưng… Chi có sao không hả ông? Cái bạn cháu cõng về ấy?”
“Chi nào?”
Ông nội nheo mắt. Ông đã già nhưng chưa đến nỗi lú lẫn.
“Ơ… Ông không nhớ Chi hả ông? Chi là bạn mới chuyển đến lớp cháu, ốm yếu, bị mất trí nhớ ấy… Bạn ấy còn hay cầm theo một con thỏ bông bị sứt tai nữa… Cháu đã kể cho ông nghe nhiều lần rồi mà?”
Biểu cảm của ông thay đổi, như đã sực nhớ ra điều gì. Ông từ tốn nói:
“Có một câu chuyện này ông sẽ kể cho cháu nghe ngay lát nữa. Nhưng cháu phải can đảm hơn để chấp nhận kết thúc của nó, được chứ?”
Đào khẽ gật đầu.
*
* *
Năm năm trước, ở hiệu thuốc Đông y của bác sĩ Bạch xuất hiện một đứa trẻ mắc phải căn bệnh mất trí quái lạ. Cơ thể con bé luôn lạnh ngắt, nó không nhớ được mình là ai, từ đâu đến. Thứ duy nhất nó nhớ là cái tên Chi.
Người ta đồn đoán, nói rằng bác sĩ Bạch thương tình nên nhận nó về chữa trị. Cũng có người cho rằng nó là con rơi của bác. Còn có giả thuyết khác về việc bác sĩ Bạch “thí nghiệm”, thử thuốc trên con bé này mới khiến nó thành ra như vậy.
Dẫu sao, bác sĩ Bạch vẫn muốn cho con bé hòa nhập với bạn cùng trang lứa. Nó được gửi gắm ở trường mẫu giáo. Bác sĩ đích thân đưa nó tới trường, còn tặng cho nó một con thỏ bông. Nhưng sự xuất hiện cùng ngoại hình không bình thường của nó khiến đám trẻ và cả phụ huynh khiếp vía. Không ai dám chơi cùng con bé. Một vài đứa lớn trong trường bắt đầu chế nhạo, bắt nạt Chi vì sự khác biệt của nó. Chúng gọi nó là đồ chậm phát triển, dị hợm, hay cả quái vật…
Có lẽ, việc không nhớ được mình bị bắt nạt ra sao cũng là một phước lành dành cho Chi. Con bé mỗi ngày đều đi học, sau đó quay trở về nhà và quên đi hết mọi phiền muộn. Vào ngày hôm sau, nó vẫn vui vẻ tin rằng có bạn chơi cùng nó. Nó thật sự muốn tin như vậy.
Trong những trò chơi của bọn trẻ, Chi thích nhất là trò trốn tìm. Mà nó cũng chỉ nhớ được cách chơi trò ấy thôi. Nó rất giỏi, vì một khi nó trốn thì chẳng ai tìm ra được. Trong một lần đi dã ngoại cùng lớp, đám bạn học bày trò chơi cùng nhau, và chúng bảo Chi hãy vào rừng trốn.
Đám trẻ không có ý xấu. Chúng chỉ muốn dọa cho con bé một trận để con bé biết sợ mà không lẽo đẽo theo sau làm phiền chúng nữa. Chúng tin rằng trong rừng có con gì đó đáng sợ lắm, vì người lớn hay dọa chúng như vậy mỗi khi chúng không nghe lời. Thế là, Chi cứ tiến bước vào rừng một mình, tay ôm thỏ bông. Con bé đâu hay biết khi mình được tìm thấy, mọi chuyện đã quá muộn.
Hôm đó, có một cơn giông lớn không báo trước quét qua khu vực. Bọn trẻ hoảng loạn kể lại cho người lớn nghe chuyện Chi vào rừng mãi chưa thấy ra. Ai nấy nháo nhào đi tìm con bé. Mưa quá to gây sạt lở khiến cho việc tìm kiếm chậm trễ, đầy gian nan. Sau gần một ngày, người cứu hộ đưa xác con bé lạnh lẽo, vùi trong bùn đất đem về trao cho bác sĩ Bạch.
Kể từ đó, không ai nhắc đến tai nạn thương tâm ấy nữa. Mãi cho đến một ngày, cháu gái ông chủ trại hòm địa phương tình cờ chạy vào rừng và tìm thấy con thỏ bông sứt tai từng thuộc về đứa trẻ tên Chi năm nào.
*
* *
Bác sĩ Bạch ngồi một mình trong hiệu thuốc. Bác ngước nhìn lên khi đứa trẻ cột hai chùm tóc đẩy cánh cửa bước vào, theo sau là ông nội nó.
Con bé đưa cho bác sĩ con thỏ bông đã được giặt sạch và khâu lại bên tai bị sứt. Bàn tay run rẩy của bác sĩ đón lấy. Bác rưng rưng bật khóc.
“Chắc là Chi cũng muốn về nhà.”
Vị bác sĩ khẽ gật đầu, thì thầm đôi lời cảm ơn. Trông bác già hẳn đi chỉ trong vài ngày, nhưng Đào cũng không chắc có thật chỉ mới vài ngày trôi qua thôi. Theo lời ông nói, nó đã sốt khoảng ba bốn ngày, sau khi vô cớ chạy vào trong rừng một mình giữa trời mưa trong dịp dã ngoại cùng lớp. Cô bảo mẫu và bạn bè tìm thấy nó bên bìa rừng, ôm chặt một con thỏ bông sứt tai mãi không buông.
Đào siết nhẹ tay ông khi cả hai bước ra khỏi hiệu thuốc. Nó có muôn vàn câu hỏi, lại chưa biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ ông sẽ giải đáp được cho nó. Đời này ông đã đi nhiều nơi, nghe nói và tận mắt chứng kiến vô vàn điều lạ lùng kia mà.
Dường như đọc được ánh mắt của nó, ông nội vừa dắt tay nó đi vừa nói:
“Trên đời có lắm chuyện kỳ lạ. Cháu biết đấy, gia tộc ta nhiều đời làm cái nghề đưa tiễn người đã khuất. Sau này, cháu sẽ hiểu được. Đôi lúc thể xác con người rời khỏi thế giới này, nhưng linh hồn thì vẫn còn ở lại.”
“Tại sao vậy hả ông? Sao họ ở lại?”
“Vì họ còn điều gì đó chưa hoàn thành. Vì họ còn điều lưu luyến ở đây.”
Đào suy nghĩ hồi lâu. Nó nhớ Chi không có bạn. Con bé từng rất khổ sở chỉ để được chơi cùng mọi người. Thế mà khi ra đi, nó chỉ có một mình. Cô độc. Đau đớn. Hẳn trong giây phút đó, con bé đã ước có ai đó đưa nó về nhà với người bác sĩ chăm sóc nó tận tình, như người thân.
Bỗng như nghe được tiếng Chi gọi phía sau, Đào quay người lại. Phía trước hiệu thuốc Đông y cũ kỹ là một dáng hình bé nhỏ đang ôm thỏ bông, tươi cười rạng rỡ vẫy tay về phía Đào:
“Cảm ơn cậu. Cậu đã đưa Chi về nhà.”
-Hết-

05.2023
Câu chuyện này được dựa trên fanfic “Trốn tìm” (Genshin Impact) do chính mình chấp bút đầu năm 2023.
Bối cảnh giả tưởng, có nhiều nét tương đồng với vùng ngoại ô Việt Nam.
Ảnh bìa được vẽ riêng cho truyện. Artist: A Serene Being.
Để lại một bình luận